Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Va, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Minh Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đại tá Nguyễn Bá Thịnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Đại tá Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Phạm Duy Hưng, TUV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ cùng lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ và các sở, ngành có liên quan.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đinh Đức Tuyến, TUV, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Huy Liệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; Nguyễn Sinh Tiến, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí UVBTVHU, thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, lãnh đạo các địa phương và các phòng, ban, ngành có liên quan.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp kiểm tra và kịp thời nắm bắt tình hình thiệt hại về tài sản, hoa màu cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền nước ta. Theo đó, trong các ngày từ 9/9 đến ngày 12/9/2024, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 300mm. Cùng với đó, mực nước lũ ở các sông Đào, sông Đáy dâng cao trên báo động 3 đã làm một số tuyến đê, bối, bờ bao sản xuất của các xã Hồng Quang, Yên Khang, Yên Trị, Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân xảy ra sự cố, đe dọa đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của Nhân dân.


Trước tình hình này, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã ven đê huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm xung yếu trên địa bàn. UBND huyện đã ban hành 4 công điện, 11 văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão; ngày 10/9/2024, Chủ tịch UBND huyện ban hành Lệnh Báo động lũ cấp 3 trên sông Đáy, sông Đào; yêu cầu UBND 10 xã ven đê thực hiện nghiêm lệnh báo động lũ đồng thời đã thành lập 3 Sở chỉ huy tiền phương trên địa bàn huyện gồm: tuyến đê Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân; tuyến đê Yên Đồng, Yên Trị và tuyến đê Hồng Quang, Yên Khang. để ứng phó với mưa lũ và các sự cố đê điều.



Trên 500 dân quân, cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang huyện (Công an huyện, Ban CHQS huyện) và lực lượng xung kích của 23 xã, thị trấn với quân số 2.430 người cùng lực lượng tuần tra, canh gác của 10 xã ven đê là 318 người tập trung toàn lực tham gia phục vụ công tác hộ đê giờ đầu và cứu nạn, cứu hộ. UBND các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ dụng cụ lao động, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, tổ chức huy động lực lượng ứng cứu kịp thời theo sự điều động của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện. UBND huyện đã kịp thời cấp phát 236 áo phao, 60 phao tròn, 9910m2 bạt chắn sóng, 20.300 bao tải hỗ trợ các xã thực hiện xử lý giờ đầu. Cùng với đó, tổ chức di dời khoảng 1.250 hộ dân với hơn 4.800 nhân khẩu ở các khu vực trong và ngoài đê bối đến nơi tránh trú an toàn; tạm dừng hoạt động của các bến khách ngang sông trên địa bàn huyện từ ngày 11/9/2024 và tạm dừng các xe vận tải lưu thông trên đê Tả Đáy, Hữu Đào để phục vụ công tác chống lụt và an toàn cho người dân.

Hiện trạng khu vực từng bị ngập do cơn bão số 3 tại xã Yên Phúc.
Qua thống kê sơ bộ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa, lũ đã làm gần 8.500ha lúa Mùa của các địa phương trên địa bàn huyện Ý Yên bị ngập úng, trong đó có khoảng 758,4ha diện tích thiệt hại hoàn toàn; trên 1.500ha thiệt hại rất nặng; khoảng 224,2ha cây màu hè thu bị ảnh hưởng trong đó có trên 163ha bị thiệt hại hoàn toàn; 133,1ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, trong đó chủ yếu là các diện tích nuôi thả cá truyền thống (khoảng gần 130ha). Về tài sản của Nhà nước và Nhân dân, có trên 1000 nhà dân ở các vùng bối bị ngập từ 1-3m; diện tích bị thẩm lậu trên tuyến đê Tả Đáy và các tuyến đê bối, bờ bao sản xuất khoảng trên 1.000m2. Ngoài ra, một số cống qua đê bị rò rỉ, không kín nước. Một số trạm bơm bán kiên cố bị hư hỏng. Các công trình đang thi công trên đê gồm các kè An Quang, Đống Cao, Độc Bộ, Yên Trị bị ảnh hưởng do lũ.
Với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm“Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Ý Yên đã thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN theo đúng phương châm “4 tại chỗ - 3 sẵn sàng”, huy động tối đa người cùng vật tư, phương tiện tập trung xử lý nhanh sự cố giờ đầu. Các lực lượng tại chỗ đã không quản ngại khó khăn, vất vả; duy trì ứng trực 24/24 thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu về đê bối; sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường của thời tiết, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng và tại sản của Nhân dân.

Sau khi nghe báo cáo và nắm bắt tình hình thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Gia Túc ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị huyện và các địa phương trong triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ; kịp thời xử lý, khắc phục các sự cố về đê điều, góp phần giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Để kịp thời khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các địa bàn bị ngập úng, nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các cấp của huyện Ý Yên tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên; tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ. Tiếp tục duy trì lực lượng ứng trực, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết và hiện trạng đê điều trong mùa mưa bão; huy động nhân lực khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh môi trường; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân theo hướng dẫn của ngành y tế. Triển khai đồng bộ các biện pháp tiêu nước chống úng, cứu lúa, cây màu, nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng toàn bộ tuyến đê bối, đặc biệt là tại những điểm đã xảy ra sự cố để khắc phục, sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn hệ thống thuỷ lợi, đê điều nhất là tại các vị trí trọng điểm, xung yếu.