Đảng, Nhà nước quan tâm chăm sóc thiếu nhi trên quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình,
là tương lai của đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các
cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và quan tâm đặc biệt. Với Bác, trẻ em
là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước. Bác nói: “cái mầm
có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ
có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Đặt niềm
tin và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trẻ em là những người kế tục sự
nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc: “Bác mong các cháu chăm ngoan. Mai sau
gìn giữ giang san Lạc Hồng. Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”, Bác còn thường
xuyên quan tâm nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành,
đoàn thể. Trong Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Bồi
dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Qua
các bài nói, bài viết và bằng những việc làm cụ thể, Người đã đặt nền tảng tư
tưởng và nêu tấm gương sáng về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,
ươm “mầm xanh tương lai” của đất nước.

Bác Hồ với các cháu thanh, thiếu nhi. Ảnh tư liệu
Không chỉ dành tình cảm đặc biệt
cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, Người còn kêu gọi các cháu tham gia cùng dân
tộc chống giặc ngoại xâm. Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” Bác đã thể
hiện tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ em nước nhà khi đất nước có xâm lăng
phải sống trong cảnh “bạo tàn” của giặc Nhật, giặc Tây. Bác viết:
"Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan”. Hình ảnh “như
búp trên cành” đó chính là mầm non của quê hương, đất nước phải được nuôi
dưỡng và học hành đến nơi đến chốn, nhưng vì “Chẳng may vận nước gian
nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”. Do nước nhà bị ách cai trị của thực
dân nên các “búp trên cành” cũng phải “Làm tôi tớ người ta bên
ngoài”. Từ nỗi đau, xót xa ấy, Bác đã vận động, giáo dục, giác ngộ các
cháu phải hành động: Vậy nên trẻ em nước ta/Phải đoàn kết lại để mà đấu
tranh/Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay. Đây
không chỉ thể tình cảm của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng mà còn kêu gọi các
em đoàn cùng toàn dân tộc đánh giặc ngoại xâm. Tinh thần ấy cần phải được xây dựng
từ thế hệ “búp măng non” và đó là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi
của cách mạng. Tình cảm của Bác Hồ đối với “mầm xanh” của dân tộc có sức lan tỏa
mãnh liệt trong thiếu niên, nhi đồng cả nước, không chỉ thôi thúc các em cả nước
tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà mà còn có
sức sống mãnh liệt đến hôm nay.
Trong các di sản về tư
tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có nhiều bài viết Người đề cập đến trẻ em
và việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Điều đó chứng tỏ trẻ em luôn có vị
trí vô cùng đặc biệt đối với Người. Những quan điểm đúng đắn ấy là tiền đề vững
chắc, là kim chỉ Nam soi đường cho Đảng, Nhà nước ta đề ra đường lối, chính
sách pháp luật thực hiện quyền của trẻ em Việt Nam đến tận hôm nay.
Có thể thấy, ngay từ sớm,
Người đã nhận thấy trẻ em là một đối tượng có các quyền cơ bản của một con người
và cần được tôn trọng. Theo Người, quyền của trẻ em gắn liền với quyền dân tộc,
dân tộc không được giải phóng thì trẻ em không được bảo vệ, chăm sóc, không được
hưởng các quyền lợi cơ bản của mình. Đất nước không được giàu mạnh thì trẻ em
không được ấm no, hạnh phúc. Với Người, trẻ em là chủ thể còn non nớt về thể chất
và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt về mọi mặt, từ sức khỏe, học tập,
vui chơi, giải trí, đến việc bày tỏ ý kiến và tham gia những hoạt động tập thể.
Quan điểm này của Người thấm đượm chủ nghĩa nhân văn và phù hợp với xu hướng
phát triển của thế giới, Người nói: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết
học hành là ngoan”.
Bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em được Người xác định là vấn đề mang tính chiến lược trong suốt
tiến trình cách mạng Việt Nam. Điều đó được khẳng định ngay từ những năm tháng
đầu tiên Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, dù trong hoàn cảnh “ngàn cân
treo sợi tóc”, Người vẫn luôn dành mối quan tâm đặc biệt tới vấn đề bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Khi nước nhà độc lập,
các em may mắn được tiếp nhận một nền giáo dục dân chủ mới, Người đặt trách nhiệm
cho các em phải làm thế nào để đền đáp công lao của các anh hùng đã hy sinh để
bảo vệ nền độc lập Tổ quốc. Người khuyên các em phải nỗ lực cố gắng, ra sức học
tập để kiến thiết đất nước. Người khuyên các em cần rèn luyện đạo đức cách mạng
để trở thành công dân tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Trong Thư gửi thiếu
niên nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên tiền
phong (ngày 15-5-1961), Người nêu rõ 5 điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học
tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Thật
thà, dũng cảm”. Như vậy, gắn liền quyền và trách nhiệm của trẻ em, Hồ Chí
Minh từng bước nâng cao ý thức tự giác của trẻ em để phát huy mọi khả năng của
các em, để trau dồi kiến thức, phẩm hạnh của mình phục vụ cho Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
cho rằng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao
và hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước
và toàn xã hội, Người chỉ rõ: “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của
toàn Đảng, toàn dân”. Trước hết, các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị)
phải làm thật tốt công việc ấy; sau đó là các ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn
Thanh niên, ngành giáo dục – đào tạo và các ngành, các đoàn thể. Muốn các em trở
thành những công dân tốt, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường
và các đoàn thể xã hội trong việc giáo dục trẻ em, khuyến khích các em chăm chỉ
học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân. Quan điểm này của
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quan điểm hết sức sáng suốt. Nó thể hiện tầm nhìn
xa, trông rộng và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với trẻ em.
Kế thừa và phát triển
quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã nâng
lên thành đường lối chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Đường lối của Đảng được
thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng kể từ khi ra đời đến nay. Hệ thống
pháp luật về quyền trẻ em Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Quyền trẻ em đã
tương đối đầy đủ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với pháp luật quốc
tế và ứng phó kịp thời với những mối quan hệ xã hội mới, tạo hành lang pháp lý
toàn diện nhằm bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em ở mức cao nhất.
Trên tinh thần và các
quy định về quyền trẻ em của Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên Hợp quốc,
quyền trẻ em cũng đã được thể chế hóa trong Luật Trẻ em được Quốc hội khóa
XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05-4-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày
01-6-2017, gồm 7 Chương và 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho
trẻ em. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng
đấu tranh để đem lại các quyền cơ bản cho trẻ em, bởi Người hiểu rằng trẻ em
chính là chủ nhân tương lai của đất nước, quyết định sự phát triển của quốc
gia, dân tộc. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là quan điểm nhất quán, xuyên
suốt trong tư tưởng của Người. Với tầm nhìn vượt thời đại, cho đến nay, quan điểm
của Người về quyền trẻ em chính là cơ sở khoa học đầu tiên để xây dựng và hoàn
thiện pháp luật về quyền trẻ em phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay
Thấm nhuần lời dạy của
Người, trong thời kỳ đất nước đổi mới, cùng với nhiều chính sách kinh tế, xã hội
được ban hành, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính
sách, văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chương trình hành động,
chương trình mục tiêu, các dự án, xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí và đào tạo
cán bộ quản lý, xây dựng và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến
bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên công
tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan
chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các
cấp địa phương, cơ sở đã nâng cao nhận thức và quan tâm về công tác trẻ em; thực
hiện 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật và chính sách về
bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tạo lập cuộc sống an
toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp; tăng cường giáo dục đạo đức, lối
sống trong gia đình, nhà trường, thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng
dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng
phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo
lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác
hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; giáo dục của nhà trường thực hiện việc cung cấp
kiến thức pháp lý về chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em; công viên, cây xanh,
sân chơi cho trẻ em, các thiết chế văn hóa cho trẻ em đã được quan tâm hơn.
Như vậy, đường lối,
chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về quyền trẻ em mang đậm dấu ấn của
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm của Người về quyền trẻ em trước đây, bây giờ và
mãi về sau vẫn giữ nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với quan điểm của thời đại:
“Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai”. Đó là cơ sở cho Đảng, Nhà nước và toàn xã
hội thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được nhiều thành
tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
giàu mạnh.
Phạm Văn Kiên, Ban tuyên giáo đảng uỷ